Điều này đã gây ra “hiệu ứng domino” trên toàn cầu như nguồn cung các mặt hàng khác thiếu hụt, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn và giá các mặt hàng tăng mạnh, tạo ra những nhân tố bất ổn, khủng hoảng và khó lường cho thế giới vốn đang phải “vật lộn” với đại dịch COVID-19.
Lạm phát giá năng lượng toàn cầu
Đây không phải là lần đầu tiên thế giới diễn ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng lần này mang tính đặc thù và phức tạp. Dư luận quốc tế nhìn chung cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu hiện nay khiến giá các mặt hàng năng lượng chủ chốt liên tục tăng vọt.
Lấy giá dầu thô toàn cầu làm ví dụ, kể từ khi chạm đáy vào ngày 20/4/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng gần như thẳng đứng, có vài tháng giảm đôi chút, điều này phá vỡ nhiều dự đoán bi quan rằng giá dầu thô quốc tế sẽ tiếp tục giảm.
Giá đóng cửa của dầu WTI là 62,32 USD/thùng vào ngày 15/8 và tăng mạnh kể từ ngày 1/10 đến nay, hiện đang ở mức trên 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Tờ Financial Times của Anh bình luận rằng đây là những dấu hiệu quan trọng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sắp nổ ra.
Giá dầu thô Brent biển Bắc đã có thời điểm tăng vọt lên 86,04 USD/thùng trong phiên ngày 18/10, mức cao nhất tính từ tháng 10/2018. Và các nhà phân tích thị trường dự đoán giá dầu Brent còn có khả năng sẽ chạm mức 100 USD trong năm nay.
Bên cạnh đó, kể từ tháng 10/2021, giá khí đốt ở châu Âu liên tục phá kỷ lục, giá kỳ hạn tháng 11 trên sàn trung tâm TTF ở Hà Lan – một tiêu chuẩn cho khí đốt tự nhiên ở châu Âu – ngày 5/10 tăng 19% so với một ngày trước đó, được giao dịch ở mức khoảng 118 euro (khoảng 137,5 USD) mỗi MWH – một mức cao kỷ lục và tăng 400% so với đầu năm 2021, khiến thị trường kinh ngạc.
Dầu thô và khí đốt tự nhiên là nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt, thậm chí là khan hiếm trên thị trường năng lượng toàn cầu hiện nay, và ngành nhiệt điện than một lần nữa trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia.
Diễn biến nào cho thị trường năng lượng?
Trong bối cảnh giá năng lượng tiếp lục leo thang, ông Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và các sản phẩm phái sinh toàn cầu của ngân hàng Bank of America, đã đưa ra dự báo về bốn kịch bản có thể diễn ra từ nay đến đầu năm 2022.
Trong kịch bản đầu tiên, giá năng lượng tăng mạnh sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế. Ông Francisco cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện tại có điểm tương đồng với đợt tăng giá dầu từ năm 2007-2008.
Đầu năm 2007, giá dầu Brent chỉ ở mức 50 USD/thùng, nhưng sau đó đã tăng gần gấp đôi lên 95,98 USD/thùng vào cuối năm đó. Và đến tháng 7/2008, giá dầu chạm đến mức cao “vô tiền khoáng hậu” gần 150 USD/thùng, trước khi lao dốc một cách thảm hại khi cuộc Đại suy thoái nổ ra.
Nếu kịch bản tương tự diễn ra trong lần tăng giá này của “vàng đen”, ông Francisco cho rằng nhiều công ty lớn trong ngành công nghiệp có thể sẽ cắt giảm mạnh các hoạt động sản xuất, và cuối cũng sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế. Trên thực tế, giá năng lượng tăng cao đã và đang buộc nhiều công ty, đặc biệt ở châu Âu và châu Á, phải ngừng hoạt động sản xuất.
Thứ hai, ông Francisco nhận định sự gia tăng của bất kỳ một mặt hàng này cũng sẽ khiến các nhà sản xuất phải gia tăng sản lượng, hoặc tìm kiếm các phương án thay thế phải chăng hơn.
Cho đến nay, các công ty dầu đá phiến của Mỹ đã “úp mở” về kế hoạch tăng cường đầu tư vào hoạt động sản xuất trong nước trong năm sau. Nhưng dường như họ vẫn chưa sẵn sàng cho việc gia tăng sản lượng khi hoạt động đầu tư vẫn đang bị kìm hãm theo hướng có lợi hơn cho lợi nhuận của các cổ đông.
Trong khi đó, giữa lúc giá than đá và khí tự nhiên tăng mạnh, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng dầu. Xu hướng này có thể khiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng khoảng 500.000 thùng/ngày, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Thứ ba, một mùa Đông ấm áp sẽ tạm thời “xoa dịu” tình hình. Giá năng lượng toàn cầu đang gia tăng trước mùa đông vốn là thời điểm hoạt động tiêu thụ than đá và khí tự nhiên thường tăng vọt để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm.
Người mua trên toàn thế giới đang cạnh tranh với nhau để giành giật lấy nguồn cung có hạn, trong khi giá năng lượng vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 13/10 đã cảnh báo người Mỹ chuẩn bị cho chi phí sưởi ấm tăng vọt trong mùa Đông tới.
Nhưng điều gì sẽ diễn ra nếu mùa Đông năm nay lại ấm hơn dự đoán? Theo ông Francisco, khi đó, nhu cầu tự nhiên sẽ giảm xuống và vấn đề cũng sẽ “ngẫu nhiên” được hóa giải tạm thời
Cuối cùng, ông Francisco dự đoán có khả năng các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất, và cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng, từ đó “hạ nhiệt” tốc độ tăng trưởng nói chung và cả hoạt động tiêu thụ năng lượng.
Nhiều quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản trong năm nay và bắt đầu nâng lãi suất vào năm sau, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang tiếp tục phục hồi và lạm phát vẫn không ngừng tăng lên.
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com