Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM sẽ cung cấp dòng vốn hỗ trợ hoạt động logistics, hướng đến phát triển TP HCM thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM, cần xác định mô hình này có gì khác so với những trung tâm tài chính được triển khai ở nơi khác hoặc có điểm vượt trội nào so với những trung tâm tài chính đang hoạt động trên thế giới.
TS Lê Đạt Chí đề xuất một hướng tiếp cận để TP HCM có thể triển khai bài toán xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là xác định logistics trở thành lĩnh vực “hấp thụ” dòng vốn đầu tư. Cụ thể, cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là cụm cảng nước sâu quy mô lớn nhất và có lợi thế nhất cả nước, là cửa ngõ tiếp cận hàng hóa vào TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Yếu tố này thuận lợi cho việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế gắn với đầu ra của dòng vốn là hướng vào hoạt động logistics.
“Xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính là hợp lý để tài trợ cho hoạt động thương mại, logistics xung quanh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Hạ tầng giao thông thời điểm này có thể chưa đồng bộ, chưa phát triển tương xứng nhưng với tầm nhìn 10-15 năm tới cho trung tâm tài chính thì việc đầu tư không quá khó, song cần xác định mục tiêu, nguồn lực” – TS Lê Đạt Chí nêu quan điểm.
Logistics nên được xác định là lĩnh vực hút nguồn vốn đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM trong tương lai. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS Lê Đạt Chí lưu ý để thành công, TP HCM cần xác định thu hút dòng vốn quốc tế vào lĩnh vực nào khả thi nhất. Ngoài ra, nếu muốn kéo dòng vốn quốc tế vào triển khai trung tâm tài chính thì thị trường cổ phiếu, trái phiếu phải thật sự phát triển. Hiện tại, thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn hạn chế, sàn giao dịch chứng khoán thường xuyên trục trặc. Nếu cải thiện được, thị trường chứng khoán sẽ giúp nâng hạng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Khẳng định trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo sức mạnh và mang đến nhiều khác biệt cho diện mạo kinh tế TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), cho biết trung tâm này ra đời sẽ giúp giải quyết nhiều nhóm vấn đề lớn. Cụ thể, tạo cú hích cho thị trường tiền tệ và ngân hàng; kích hoạt dòng vốn dài hạn thông qua thị trường vốn; tạo môi trường cho công nghệ tài chính (Fintech), thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử… phát triển. Mặt khác, bản thân HFIC cũng sẽ rộng đường huy động vốn hơn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được thành phố giao.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng việc nhanh chóng triển khai đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình phục hồi kinh tế thành phố. Theo ông, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 không chỉ bộc lộ ở hệ thống giao nhận trong thời gian giãn cách xã hội mà cả ở khâu hậu cần logistics, nhất là thiếu hụt trầm trọng kho lạnh và kho mát.
Hiện, 70% thị phần hàng hóa tại thành phố nằm ở kênh phân phối truyền thống với 3 chợ đầu mối, 234 chợ truyền thống. Thế nhưng, chỉ chợ đầu mối Bình Điền có kho lạnh, chủ yếu phục vụ trữ thủy hải sản, thịt, trái cây nhập khẩu; kênh truyền thống không có hạ tầng để dự trữ hàng hóa.
“HFIC đã được thành phố phê duyệt các lĩnh vực được phép cho vay. Chúng tôi sẵn sàng cho vay đầu tư các lĩnh vực trong danh mục cho phép, bao gồm đầu tư cho hạ tầng, y tế – giáo dục, đặc biệt là cho vay phát triển ngành logistics. Thành phố xác định logistics là ngành giúp khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, thành phố cần đầu tư logistics để thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu cũng như kích hoạt lại thị trường nội địa” – ông Hòa nêu.
Hôm nay, 25-2, tại UBND TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng chủ trì tổ chức hội thảo “Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”. Trong khuôn khổ hội thảo, các khách mời thảo luận về mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, cơ chế chính sách phát triển trung tâm tài chính quốc tế và chương trình hành động (liên quan đến nội dung phát triển ngân hàng số và Fintech). Ngoài ra, các thành viên ban chỉ đạo và tổ giúp việc của đề án sẽ góp ý các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung của dự thảo đề án. P.An
Cần 95.800 tỉ đồng phát triển logistics
TP HCM đã ban hành đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Theo đề án, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TP HCM là khoảng 95.800 tỉ đồng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết định hướng phát triển, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cần được xem là xu hướng tất yếu, ưu tiên của ngành logistics trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, 2 nhiệm vụ chiến lược cần thực hiện là tập trung phát triển logistics cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường châu Á và trung chuyển ra cụm cảng Cái Mép – Thị Vải để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com