Giá cước vận tải tăng phi mã
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) trong tháng 10, giá cước vận tải tuyến Thượng Hải – New York dao động 15.000 USD/container 40 feet, tăng hơn 2 lần so với tháng 1 và tăng 5 lần so với tháng 3/2020.
Giá cước vận tải tăng phi mã do dịch biến thể Delta lan rộng ở nhiều quốc gia gián tiếp gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và tắc nghẽn tại nhiều cảng biển trong năm 2021.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lưu chuyển hàng hóa và hoạt động tại các cảng biển, đội tàu trong khu vực.
Cùng với đà tăng của cước vận tải container, cước vận tải hàng rời bắt đầu ghi nhận xu hướng tăng phi mã trong năm 2021.
Đỉnh điểm vào tháng 10, chỉ số giá cước vận tải hàng rời (BDI) dao động 5.000 điểm, tăng 2,5 lần so với đầu năm.
Cước vận chuyển hàng rời “nóng” lên khi các nền kinh tế lớn phục hồi sản xuất, nhu cầu hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh.
Song, nguồn cung của các nhà cung cấp lại khá hạn chế do khó khăn trong sản xuất và lưu chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, lượng hàng tồn kho của các đại lý, nhà cung cấp ở mức thấp sau hơn một năm đình trệ bởi đại dịch, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ mặt bằng giá nguyên vật liệu và giá cước vận tải hàng rời.
Ở một khía cạnh khác, một số chủ hàng chuyển sang sử dụng tàu hàng rời để vận tải hàng hóa do hiện tượng khan hiếm container và giá cước vận tải container ở mức cao.
Tuy nhiên, trong tháng 11, giá cước vận tải tuyến Thượng Hải – New York hạ nhiệt, chỉ còn 12.800 USD/container 40 feet, giảm 15% so với tháng 10.
Tương tự, chỉ số BDI tháng 11 cũng giảm mạnh xuống còn 2.800 điểm, giảm gần 45% so với tháng 10.
VCBS lý giải giá cước hạ nhiệt khi cao điểm vận tải biển cho mùa mua sắm cuối năm kết thúc. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia dần chuyển sang chiến lược sống chung với dịch bệnh giúp nối lại chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp chớp thời cơ, thu lãi đậm
Giá cước vận tải container tăng cao trong năm 2021 hỗ trợ đà tăng trưởng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải container và cho thuê container rỗng, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp tăng công suất để tận dụng giai đoạn “vàng” của thị trường.
Điển hình như trong quý III, CTCP Vận tải biển Việt Nam (Mã: VOS) ghi nhận sự đột biến trong doanh thu thuần khi đạt gần 385 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, VOS ghi nhận 964 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ gần 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng ba quý gần 409 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ ròng hơn 139 tỷ đồng.
VCBS cho biết các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam tập trung vào hoạt động vận tải hàng rời. Do đó, doanh thu và lợi nhuận khởi sắc khi giá cước tăng mạnh từ quý I.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng đang cơ cấu, tinh gọn bộ máy, giảm bớt nợ vay tài chính và kiểm soát chi phí trong khi vẫn duy trì hiệu quả hoạt động đội tàu, qua đó cải thiện biên lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com