Thị trường quặng sắt thế giới đang bước vào một đợt hồi phục mạnh, chủ yếu dựa trên hai yếu tố hiện vẫn chưa xảy ra: kỳ vọng vào sự bùng nổ hoạt động xây dựng mới ở Trung Quốc và nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ nước xuất khẩu hàng đầu thế giới – Australia.
Hợp đồng quặng sắt tham chiếu (kỳ hạn tháng 5) trên sàn Đại Liên đã tăng liên tiếp trong 3 phiên vừa qua, phiên 27/1 tăng 2% lên 781 nhân dân tệ (123,07 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13 tháng 10. Quặng sắt kỳ hạn tháng 3 trên sàn Singapore cũng tăng 1% lên 139,05 USD/tấn.
Trong khi đó, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt 62% nhập khẩu, giao ngay tại cảng biển Trung Quốc, cũng tăng lên 139 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/9; theo cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus, giá quặng sắt giao ngay ở miền Bắc bắc Trung Quốc đạt 137,60 USD/tấn, tăng 58% so với mức thấp nhất 18 tháng chạm tới vào giữa tháng 11, là 87 USD/tấn.
Các “chất xúc tác’ thúc đẩy đợt tăng giá này là sự đan xen giữa cả nỗi sợ hãi và niềm hy vọng. Đó là kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép sẽ tăng mạnh sau khi những hạn chế sản xuất thép được nới lỏng sau Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng tới.
Nhu cầu về quặng sắt dự kiến sẽ tăng lên khi các thương nhân quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, và xa hơn nữa là sau Thế vận hội mùa Đông, vì các nhà máy thép có khả năng bổ sung hàng tồn kho.
Các hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc dự kiến sẽ bị hạn chế trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội để đảm bảo bầu trời không có khói bụi. Tuy nhiên, “Sau kỳ nghỉ lễ, (triển vọng) tiêu dùng sẽ tiếp tục lạc quan,” các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết.
Trong khi đó, triển vọng nguồn cung thắt chặt càng đẩy giá tăng thêm, mặc dù một số thương nhân Trung Quốc đã nghỉ Tết.
“Về nguồn cung, do những trận mưa lớn gần đây ở Brazil và … ở Australia, cũng như số chuyến tàu và khối lượng quặng sắt nhập khẩu cập bến đều giảm đáng kể”, các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết.
Cảnh báo của các công ty khai thác lớn Fortescue Metals Group, BHP Group và Rio Tinto về tình trạng thiếu lao động do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Australia; cùng với chính sách của Trung Quốc là tăng cường nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc, cũng góp phần đẩy giá quặng sắt tăng lên.
Nguồn cung ở Australia có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron đang lan rất nhanh, tới Western Australia – nơi nằm trong số ít những khu vực trên thế giới đã có thành tích ít nhiễm Covid-19 nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Bang Western là nơi có phần lớn các mỏ quặng sắt của Australia, nơi cung cấp khoảng 70% quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc – nước nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới.
Bang này đã ghi nhận 24 trường hợp mới nhiễm Covid-19 trong ngày 26/1. Mặc dù con số này rất nhỏ so với 17.316 ca nhiễm mới và 29 ca tử vong ở bang New South Wales trong cùng ngày, nhưng điều đáng lo ngại là Western đang bắt đầu một làn sóng Omicron.
Thủ hiến Western Australia, Mark McGowan cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang bùng phát dịch bệnh và chúng tôi sẽ không thể kiểm soát được nó”.
Bất chấp sự bi quan này, McGowan vẫn đang đóng cửa biên giới bang của mình để kiểm soát tốc độ lây lan của biến thể Omicron, nhưng điều này cũng có thể khiến sản lượng quặng sắt giảm xuống.
Nhiều công nhân tại các mỏ xa xôi sống ở các bang khác và các nhà khai thác mỏ lớn lo ngại rằng một số người sẽ bỏ việc, trừ khi việc kiểm soát biên giới của Western Australia được nới lỏng, cho phép họ đi lại tự do giữa các mỏ và nhà của họ ở các bang phía đông Australia.
Rio Tinto, BHP Group và Fortescue Metals Group, những công ty khai thác quặng sắt lớn nhất Australia, đều đã sẵn sàng cho khả năng bị gián đoạn sản xuất do thiếu lao động.
Nỗi lo chưa dừng lại ở đó khi mùa lốc xoáy sắp tới ở Australia có thể khắc nghiệt hơn bình thường do hiện tượng thời tiết La Nina. Hiện tượng này gần đây càng ngày càng gây ra những cơn bão mạnh hơn.
Tuy nhiên, sự gián đoạn sản xuất mới chỉ là dự đoán, còn trên thực tế khối lượng xuất khẩu vẫn đang tăng lên.
Xuất khẩu quặng sắt của Australia theo dữ liệu của Refinitiv ước tính đạt 74,13 triệu tấn trong tháng 1, giảm so với mức 80,26 triệu của tháng 12 nhưng cao hơn mức 68,25 triệu tấn trong tháng 11/2021 và 71,71 triệu tấn của tháng 10/2021.
Xuất khẩu vững chắc trong những tháng gần đây đã thể hiện qua số liệu nhập khẩu của Trung Quốc, với Refinitiv dự báo nhập khẩu tháng 1 ở mức 117,41 triệu tấn. Nếu được dữ liệu hải quan chính thức xác nhận thì đó sẽ là mức cao nhất trong kỷ lục, vượt qua kỷ lục cũ là 112,65 triệu tấn của tháng 7 năm 2020.
Công ty tư vấn hàng hóa Kpler cũng dự kiến nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong tháng 1 đạt kỷ lục cao, với dữ liệu cho thấy đã có 117,42 triệu tấn cạp cảng. Dữ liệu chính thức có thể sẽ cho thấy một số khác biệt vì không phải tất cả hàng hóa cập cảng trong tháng 1 cũng đều sẽ được thông quan trong cùng tháng.
Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc mạnh mẽ xuất phát từ những hy vọng ở thời điểm hiện tại, cụ thể là kỳ vọng về hoạt động xây dựng mạnh mẽ trong những tháng tới.
Sản xuất thép ở Trung Quốc có thể bị hạn chế cho đến tháng 3, do nước này mong muốn hạn chế ô nhiễm trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới kéo dài một tuần.
Tuy nhiên, khi giai đoạn này kết thúc, kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng lên khi số lượng công trình xây dựng lên đến đỉnh điểm vào mùa Hè và khi Bắc Kinh nỗ lực kích thích nền kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Tham khảo: Refinitiv
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com