Giá quặng sắt giao dịch tại Trung Quốc và Singapore đều tăng trong phiên 26/7, là phiên tăng đầu tiên sau 5 phiên giảm liên tiếp trước đó, do biên lợi nhuận ngành thép ở Trung Quốc hồi phục, đẩy nhu cầu quặng sắt tăng lên.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên này tăng 0,9% lên 1.136,50 nhân dân tệ (175,22 USD)/tấn. Trước đó, giá mặt hàng này đã giảm 5 phiên liên tiếp. Phiên gần nhất, 23/7, giá giảm mạnh nhất trong vòng 17 tháng do lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc giới hạn sản lượng thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên sàn Singapore kết thúc phiên 26/7 cũng tăng 0,7% lên 198,75 USD/tấn.
Giá thép cây – dùng trong lĩnh vực xây dựng – kỳ hạn giao ngay tại Trung Quốc tiếp tục tăng do nhiều tỉnh thành yêu cầu các nhà máy cắt giảm sản lượng từ nay đến cuối năm, gây lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Kết thúc phiên 26/7, giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải đều tăng 0,4%, trong khi thép không gỉ tăng 2,9% lên kỷ lục cao 19.755 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt tuần qua giảm mạnh nhất trong vòng gần 18 tháng do việc Trung Quốc siết chặt sản xuất thép và nguồn cung quặng sắt phục hồi.
Theo đó, chỉ trong một tuần tính tới 23/7, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm khoảng 10% – mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2020; quặng sắt 62% nhập khẩu, kỳ hạn giao ngay, tại cảng biển Trung Quốc phiên 23/7 giao dịch ở mức 201,35 USD/tấn, giảm so với 223 USD/tấn một tuần trước đó do triển vọng nhu cầu mờ nhạt.
So với ngày 12/5 – thời điểm giá sắt thép cao kỷ lục, giá quặng sắt Trung Quốc và quặng sắt 62% nhập khẩu hiện đều mất 17%.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành công ty Navigate Commodities ở Singapore, cho biết: “Chi phí quặng sắt giảm và giá thép tăng đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ trong biên lợi nhuận thép, đặc biệt là đối với các sản phẩm thép dài”.
Các nhà sản xuất thép ở An Huy, Cam Túc, Phúc Kiến, Giang Tô, Giang Tây, Sơn Đông và Vân Nam đều đã nhận được thông báo yêu cầu hạn chế sản lượng ở mức bằng với sản lượng của năm 2020 trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nỗ lực hạn chế phát thải khí carbon.
Theo ông Widnell: “Xét các yếu tố cơ bản và yếu tố kỹ thuật, chúng tôi thấy giá quặng sắt sẽ tăng trong ngắn hạn, với lượng quặng nhập khẩu về cảng Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhanh hơn so với mức tiêu thụ nội địa trong tuần qua, và dự kiến tình trạng đó sẽ tiếp diễn sang tuần tới”.
Theo ông Widnel: “Chắc chắn không có đủ nguồn cung cho thị trường qua đường vận tải biển để đáp ứng mức tăng trưởng tiêu thụ thép ở Trung Quốc trong nửa cuối năm, đặc biệt là nhu cầu đối với các sản phẩm thép dài”.
Triển vọng giá quặng sắt
Đối với câu hỏi giá quặng sắt sẽ hồi phục bao lâu? Câu trả lời có lẽ vẫn là chờ xem những tín hiệu ban đầu về việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát sản lượng thép có trở thành xu hướng không, hay chỉ là “đốm sáng”.
Không có gì bí mật khi các nhà chức trách ở Bắc Kinh muốn giới hạn sản lượng thép năm 2021 không vượt quá mức kỷ lục của năm 2020, nhưng cái mới lúc này là hành động quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu này.
Các nhà sản xuất thép ở An Huy, Cam Túc, Phúc Kiến, Giang Tô, Giang Tây, Sơn Đông và Vân Nam đều đã nhận được thông báo yêu cầu hạn chế sản lượng ở mức bằng với sản lượng của năm 2020 trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nỗ lực hạn chế phát thải khí carbon. Ngoài ra, có thông tin một số nhà sản xuất thép ở Đường Sơn – thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc – đã hạn chế sản lượng trong bối cảnh Chính quyền thành phố cảnh báo về các hình phạt nếu sản lượng quá mức của năm 2020.
Mặc dù mới thực hiện được một thời gian ngắn, song đã có những dấu hiệu cho thấy sản lượng thép của Trung Quốc chậm lại.
Theo đó, sản lượng thép thô trong tháng 6 giảm 5,6% xuống 93,88 triệu tấn từ mức kỷ lục 99,45 triệu của tháng 5, theo dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 15/7.
Sản lượng thép Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng 11,8% lên 563,33 triệu tấn, so với cùng kỳ năm 2020. Nếu Trung Quốc thực sự muốn hạn chế sản xuất thép trong năm 2021 ở mức 1,065 tỷ tấn như năm 2020, điều đó có nghĩa là sản lượng nửa cuối năm chỉ khoảng 502 triệu tấn, tương đương hấp hơn gần 11% so với mức đạt được trong nửa đầu năm.
Điều đó có thể sẽ trở nên căng thẳng cho thị trường tiêu thụ, đặc biệt nếu Bắc Kinh vẫn giữ nguyên thông lệ trước đây là ưu tiên tăng trưởng kinh tế thay vì lo ngại ô nhiễm.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc hạn chế thành công sản xuất thép trong nửa cuối năm, cán cân cung – cầu quặng sắt sẽ trở nên cân bằng hơn, trong bối cảnh nguồn cung quặng sắt của 3 nước sản xuất hàng đầu – Australia, Brazil và Nam Phi – bắt đầu hồi phục nhanh, về mức gần sát với năng lực sản xuất.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tháng 7 này vẫn đang trên đà tăng trưởng, với cả nhà phân tích hàng hóa Kpler và Refinitiv đều dự đoán sẽ đạt tới 100 triệu tấn.
Kpler dự kiến nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong tháng 7 là khoảng 107,4 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, trong khi Refinitiv thậm chí còn lạc quan hơn, cho biết khối lượng có thể lên tới 112,5 triệu tấn, mặc dù con số này bao gồm 15 tàu dự kiến đến vào ngày 31 tháng 7, có nghĩa là hàng hóa của họ có thể không được tính vào dữ liệu hải quan của tháng Bảy.
Tham khảo: Reuters
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com