Giá quặng sắt giảm nhưng thị trường thép vẫn khó lường

Giá quặng sắt giảm nhưng thị trường thép vẫn khó lường

Các chuyên gia dự đoán thị trường sắt thép thế giới và Việt nam sẽ có biến động mạnh trong quý III và IV năm nay.

Trong năm 2021, câu chuyện về thị trường sắt, thép là các chủ đề rất nóng, không chỉ với giới đầu tư hàng hóa, mà còn đối với các nhà đầu tư cổ phiếu của ngành thép, ngành xây dựng và bất động sản. Bất kỳ biến động nào của giá thế giới cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Đóng cửa tuần từ 19/07 – 25/07/2021, giá hợp đồng Quặng sắt tháng 8 trên Sở Singapore giảm mạnh 7,7% xuống còn 197,33 USD/tấn. Giá Quặng sắt trên Sở Đại Liên, Trung Quốc giảm gần 10% xuống còn 173,6 USD/tấn, là tuần giảm mạnh nhất từ tháng 02/2020 tới nay và hiện đã thấp hơn 17% so với mức đỉnh hồi tháng 05 năm nay.

Theo thông tin từ Reuters, Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Thép cuộn cán phẳng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Các nhà sản xuất thép của Nhật Bản bao gồm FE Steel Corp, Nippon Steel và Sumitomo Metal sẽ phải trả mức thuế từ 39% – 45,7%; các doanh nghiệp trong khối EU sẽ phải trả 46,3% và mức thuế đối với Hàn Quốc sẽ là 37,3%.

Giá nguyên liệu giảm có thể sẽ khiến các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán thép thành phẩm trong tháng 8. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), ở các kỳ điều chỉnh giá tiếp theo, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng giá sắt, thép sẽ tiếp tục giảm thêm. Thị trường vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó lường và các doanh nghiệp trong nước vẫn cần phải thực hiện đúng các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro về giá, không được mạo hiểm và chủ quan trong giai đoạn này.

Giá quặng sắt giảm nhưng thị trường thép vẫn khó lường - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp Âu – Mỹ hồi phục, giá thép phế liệu tiếp tục tăng

Ở Mỹ, hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra sôi động sau chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thuận lợi. Giá thép phế liệu tăng mạnh thể hiện nhu cầu bùng nổ mạnh mẽ trong mùa xây dựng. Giá bán trung bình đối với các sản phẩm thép cuộn và thép dài đã tăng hơn 250 USD trong quý II lên gần 1.300 USD/tấn. Còn giá phế liệu tăng gần 70 USD lên 440 USD/tấn.

Tiêu thụ thép chủ yếu đến từ ngành ô tô, công nghiệp, trong khi ngành năng lượng đang có dấu hiệu phục hồi. Hơn nữa, niềm tin lạc quan về tiến độ các dự án xây dựng đã thúc đẩy các đơn đặt hàng và hỗ trợ giá thép. Theo đánh giá của MXV, diễn biến này có thể duy trì trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là quý III và nửa đầu quý IV, với kỳ vọng nhu cầu thép sẽ vượt nguồn cung ở các thị trường lớn như châu Âu hay Mỹ.  Trong đó, khu vực Bắc Mỹ vẫn là điểm đến quan trọng của thép Việt Nam.

Trong khi đó, chào giá phế liệu vụn có xuất xứ từ Anh là 530 – 540 USD/tấn CFR, của Mỹ là 525 – 530 USD/tấn CFR và cao nhất là ở EU với 570 – 580 USD/tấn CFR.

Giá quặng sắt giảm nhưng thị trường thép vẫn khó lường - Ảnh 2.

Giá quặng sắt Trung Quốc hạ nhiệt, thép thành phẩm diễn biến trái chiều

Giá quặng sắt Trung Quốc đang chi phối giá thế giới khi chiếm đến 70% giao dịch đường biển. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã yêu cầu một số nhà máy thép ở tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Vân Nam cắt giảm sản xuất, để đảm bảo sản lượng năm nay không vượt quá năm ngoái, đặc biệt là tại Đường Sơn, thủ phủ sản xuất thép của nước này. Nhà chức trách tuyên bố sẽ xử lý nghiêm những nhà máy vi phạm quy định.

Trong tuần qua, những trận bão gây ra lũ lụt lịch sử tại đất nước tỷ dân trong thời điểm này gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và trì hoãn nhiều hoạt động sản xuất. Giá quặng sắt đường biển theo đó cũng giảm mạnh. Các kho dự trữ quặng ven cảng tiếp tục tăng lên do phần lớn các nhà máy ở phía Bắc Trung quốc giảm dự trữ tại nhà máy. Tồn kho quặng sắt tại 46 cảng chính của Trung Quốc đạt 129,5 triệu tấn tại ngày 22/07, tăng 500.000 tấn so với tuần trước.

Giá quặng sắt giảm nhưng thị trường thép vẫn khó lường - Ảnh 3.

Trong khi đó, giá thép thành phẩm có diễn biến trái chiều. Nhà sản xuất thép lớn như Shagang tăng giá thép xây dựng thêm khoảng 38 USD/tấn, còn mức trung bình trên thị trường tăng nhẹ hơn từ 5 – 12 USD/tấn. Chiều ngược lại, giá thép cán nóng và cán nguội giảm nhẹ.

Theo MXV, các nhà sản xuất tăng giá thép xây dựng trong hai tuần liên tiếp vì những lý do sau. Thứ nhất, tâm lý thị trường được thúc đẩy bởi dự đoán thắt chặt sản lượng thép cuối năm, kết hợp Ngân hàng Trung ương PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 15/07 nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Thứ hai, chênh lệch giá giữa thép cây và thép cuộn cán nóng (HRC) ngày càng mở rộng, có thể khiến các nhà sản xuất thép cây phải chịu lỗ. Thứ ba, hoạt động mua bán diễn ra sôi động cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.

Kể từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép cuộn CB240 của Việt Nam đã giảm liên tục khoảng 7 – 8%. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã thông báo hạ giá 6 đợt, từ gần 17,4 triệu đồng/tấn xuống còn 16,1 triệu đồng/tấn (tùy theo doanh nghiệp) vào ngày 23/07, do thị trường trong nước hiện nay đang ở mùa tiêu thụ thấp điểm và giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép đã ổn định hơn.

Với những biến động kể trên, thị trường sắt thép thế giới và Việt Nam có thể sẽ có sự biến động mạnh hơn trong quý III và quý IV năm nay.

Công ty Cổ phần Quốc tế T&G

Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 0345786803

Email: hrm@tginterjsc.com

Trang web: http://tginternationaljsc.com

Bài viết liên quan