Giá tất cả các loại sắt thép tuần này đều tăng, với thép không gỉ tăng mạnh nhất, hơn 7%, trong khi quặng sắt tăng hơn 6%, các sản phẩm khác cũng trên đà khởi sắc.
Giá thép không gỉ trên thị trường Trung Quốc phiên cuối tuần tiếp tục tăng gần 7% lên mức cao kỷ lục mới do tiêu thụ mạnh trong khi nguồn cung nguyên liệu thô không đáp ứng đủ nhu cầu, giữa bối cảnh thị trường chưa hết lo ngại về việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép.
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tham chiếu – kỳ hạn tháng 8/2021 – phiên 16/7 có thời điểm tăng 6,7% lên 19.175 nhân dân tệ (2.965,15 USD)/tấn trong phiên, kết thúc phiên vẫn cao hơn 4,3% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 18.740 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ khi giao dịch hợp đồng thép không gỉ bắt đầu lên sàn giao dịch Thượng Hải vào năm 2019. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp giá thép không gỉ lập những đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử.
“Tiêu thụ (thép không gỉ) ở hạ nguồn tương đối tốt, cung và cầu đều mạnh”, thông tin từ công ty Huatai Futures cho biết, và thêm rằng những lo ngại gần đây về việc cắt giảm sản lượng thép (ở Trung Quốc) cũng ảnh hưởng đến triển vọng nguồn cung.
Các biện pháp kiểm soát sản xuất vì mục tiêu môi trường ở Trung Quốc nhằm hạn chế các dự án tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải cao đã dẫn đến sự thiếu hụt các hợp kim sắt, như ferrochrome – nguyên liệu sản xuất thép không gỉ.
Giá các sản phẩm thép khác và nguyên liệu sản xuất thép phiên 16/7 hầu hết tiếp tục tăng. Theo đó, giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 10, tăng 0,2% lên 5.559 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá thép cuộn cán nóng – dùng trong sản xuất và chế tạo – giảm 0,1% xuống 5.952 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Đại Liên phiên này tăng 1,9% lên 1.241 nhân dân tệ/tấn; quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển Trung Quốc tăng 1 USD lên 221,5 USD/tấn; than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 2,4% lên 2.053 nhân dân tệ/tấn, và than cốc tăng 3,1% lên 2.693 nhân dân tệ/tấn.
Giá nickel cao nhất gần 5 tháng – một yếu tố quan trọng đẩy giá thép không gỉ tăng nóng
Giá nickel gần đây liên tục tăng mạnh do nhu cầu cao từ nhiều lĩnh vực, được thúc đẩy bởi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Chiều 16/7, giá nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng (hợp đồng tham chiếu) trên sàn London (LME) đạt 19.205 USD/tấn, cao nhất kể từ 25/2/2021. Cùng ngày, giá nickel kỳ hạn tháng 8 trên sàn Thượng Hải (ShFE) lúc gần kết thúc phiên tăng 3,6% lên 143.710 nhân dân tệ (22.225,49 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 26/2.
Nickel được sử dụng phần lớn trong sản xuất thép không gỉ. Ngoài ra, nhu cầu nickel trong sản xuất pin xe điện dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
Lượng nickel lưu kho trên sàn ShFE hiện chỉ còn 7.555 tấn, giảm 58% từ đầu năm đến nay và thấp hơn 74% so với cùng thời điểm năm ngoái. Nguyên nhân bởi trong khi nhu cầu nickel tăng mạnh thì sản lượng của Trung Quốc lại sụt giảm. Thông tin từ hãng nghiên cứu Antaike cho biết, sản lượng nickel cathode của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 79.400 tấn.
Giá thép Trung Quốc tăng sẽ kéo dài trong bao lâu?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần nhìn lại diễn biến thị trường sắt thép Trung Quốc.
Giá thép kỳ hạn tương lai trên sàn Thượng Hải tuần này liên tục tăng, đạt mức cao nhất trong vòng 8 tuần. Cả thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng tuần này đều trở lại mức cao chưa từng có kể từ ngày 19/5/2021 – thời điểm bước ngoặt của thị trường thép khi giá sụp đổ bởi những cảnh báo nghiêm khắc từ Bắc Kinh về việc trừng phạt các hoạt đọng đầu cơ cũng như cảnh báo sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn việc giá hàng hóa tăng cao quá mức.
Từ sau 19/5, giá sắt thép tại Trung Quốc lao dốc. Nhưng không lâu sau đó, giá tăng trở lại.
Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn tới việc giá thép Trung Quốc hồi phục đều đặn cũng lại bởi nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế công suất sản xuất nhằm giảm khí phát thải vì mục tiêu môi trường đã dẫn tới lo ngại thiếu nguyên liệu, do nhu cầu sắt thép vẫn còn rất mạnh.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc đã giảm 5,6% trong tháng 6/2021 so với mức cao kỷ lục của tháng 5. Theo đó, các nhà máy thép Trung Quốc đã sản xuất 93,88 triệu tấn thép trong tháng 6, so với 99,45 triệu tấn của tháng 5. Mặc dù giảm so với tháng liền trước, song sản lượng tháng 6 vẫn cao hơn 1,5% so với cùng tháng năm 2020.
Mặc dù giá thép tăng trở lại, song nhu cầu các sản phẩm này ở Trung Quốc vẫn ổn định ở mức cao. Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy, tiêu thụ 5 sản phẩm thép chính tại Trung Quốc trong tuần tới 15/7 đã tăng 3,9% so với tuần liền trước, lên 10,77 triệu tấn, trong khi tồn kho thép giảm tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần.
Nhập khẩu phế liệu thép và phôi thép vào Trung Quốc trong quý II/2021 giảm so với quý I/2021, nhưng không phải do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi, mà bởi giá ở Trung Quốc thấp hơn so với giá ở các thị trường lân cận, chẳng hạn như Nhật Bản, khiến cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc không thể có lãi khi mua từ nước ngoài về. Đối với quý III này, nhu cầu nguyên liệu nhập khẩu và giá thép ở Trung Quốc chỉ có thể hạ nhiệt nếu Bắc Kinh thay đổi chính sách kiểm soát sản lượng, chẳng hạn như có chính sách thận trọng hơn trong 6 tháng cuối năm nhằm tránh việc giá thép tăng.
Cũng liên quan đến nhu cầu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, với mức giảm là 50 điểm cơ bản, áp dụng từ 15/7. Điều này sẽ giúp thị trường có thêm thanh khoản khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, giúp củng cố sự hồi phục kinh tế – đang có dấu hiệu mất đà. Thanh khoản gia tăng đồng nghĩa với giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng, nhất là sắt thép.
Tham khảo: Refinitiv, Agmetalminer
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com