Thông thường, những tháng đầu năm không phải cao điểm xây dựng, sức tiêu thụ thép khá thấp. Tuy nhiên, ngay từ tháng 1, bán hàng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá bán thép xây dựng trong nước cũng có hai đợt tăng liên tiếp và trung bình khoảng 16.600-17.200 đồng/kg tùy thuộc từng doanh nghiệp, chủng loại sản phẩm và vùng miền cụ thể.
Cá biệt có những doanh nghiệp như Ponima nâng giá thép lên 17.800 đồng/kg, gần tới đỉnh năm 2021 là 18.000 đồng/kg của thương hiệu thép Hòa Phát. Nhiều người đặt ra giả thiết rằng với sự khởi đầu tích cực này, liệu giá thép xây dựng có thể phá đỉnh năm 2021 và thăng hoa nhờ đầu tư công?
Trao đổi với người viết, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết dù giá thép xây dựng năm 2021 có điều chỉnh tăng nhưng cũng chưa lên cao như hồi năm 2008.
Cụ thể, vào tháng 7/2008, giá thép trên thế giới tăng cao và đạt đỉnh khi giá chào phôi thép lên trên 1.000-1.200 USD/tấn, kéo theo giá thép trong nước lên tới 22 – 23 triệu đồng/tấn. Song kịch bản này khó xảy ra với năm 2022.
“Thực tế, giá thép được điều chỉnh tăng ngay từ đầu năm. Song, ở thời điểm này chưa thể khẳng định giá thép xây dựng năm 2022 có thể phá đỉnh năm 2021 vì giá nguyên liệu sản xuất thép trên thế giới biến động từng ngày”, ông Đa nói.
Nói thêm về triển vọng giá thép năm 2022, Chủ tịch VSA cho rằng giá thép xây dựng năm 2022 sẽ ổn định và điều chỉnh nhẹ theo nhu cầu thị trường, xoay quanh mức giá cuối năm 2021, khoảng 15.900-16.100 đồng/kg tùy chủng loại và thương hiệu.
“Kỳ vọng về mức giá thép tăng đột biến trong năm 2022 cũng không thể xảy ra ngay trong quý I, II. Dự kiến, theo chu kỳ sản xuất thì các sản phẩm thép sẽ tiêu thụ tốt khi bước vào quý III, IV”, ông Đa cho biết.
Động lực tăng trưởng cho ngành thép
Nếu như năm 2021, động lực tăng trưởng ngành thép là từ tăng cường xuất khẩu thì năm nay, ngành kỳ vọng nhiều vào các dự án đầu tư công và nền kinh tế được tái mở cửa. Cụ thể, đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua GDP Việt Nam đã giảm còn 1-2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát nhận định tại hội thảo tổng kết ngành thép 2021 rằng thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất khi tổng chi cho các dự án giao thông đạt hơn 570 nghìn tỷ đồng, tương đương 42,3% ngân sách trung ương.
Điển hình như các dự án lớn như xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Chủ tịch VSA cho rằng các nhà sản xuất thép xây dựng có thể được hưởng lợi từ xu hướng này. Song mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Hiện tại Hòa Phát vẫn đang dẫn đầu với thị phần trên 36%.
Tuy nhiên, ông Đa một lần nữa nhấn mạnh: “Giá thép trong nước sẽ khó có biến động mạnh vì nguồn cung trong nước dồi dào, nhu cầu tiêu thụ thép các công trình chưa nhiều, nguồn vốn giải ngân chậm, lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh chưa được kiểm soát…”
Trong ngắn hạn, VSA cho rằng giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng sẽ thúc đẩy mặt hàng thép thiết lập mặt bằng giá mới trong quý I.
Chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất thép tăng khá mạnh ngay từ đầu năm.
Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 10/2 giao dịch ở mức 391,75 USD/tấn FOB tăng gần 17% so với tháng 1.
Hay giá quặng sắt cũng ghi nhận mức tăng tới 19% lên 149,7-150,2 USD/tấn.
VSA cho rằng giá nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục có xu hướng tăng, tác động đến giá thép xây dựng trong nước trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com