Nhu cầu bùng nổ
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang lan sang thị trường dầu mỏ. Hôm 15/10, giá dầu Brent tăng cao tới 85,05 USD/thùng, một mức giá mà hầu như không ai tưởng tượng khi chỉ cách đây 18 tháng, đại dịch COVID-19 vừa mới tấn công ngành công nghiệp dầu mỏ và khiến nhu cầu lao dốc nghiêm trọng.
Bây giờ, nhu cầu dầu thô đang phục hồi mạnh mẽ từ nhiên liệu đường bộ đến vận tải hàng hóa, ngay cả ngành hàng không từng bị vùi dập trong đại dịch cũng đang cho thấy dấu hiệu hồi sinh.
Số lượng chuyến bay tại châu Âu đã phục hồi khoảng 75% so với mức bình thường. Các công ty hàng không từ United Airlines đến EasyJet đã và đang tăng cường công suất bay sau khi Mỹ nới lỏng quy định đi lại và chương trình tiêm chủng của châu Âu giúp số ca dương tính duy trì ở mức thấp.
Với không khí khởi sắc trên diện rộng, hàng loạt công ty lọc dầu như Repsol, OMV và Royal Dutch Shell đều báo cáo biên lợi nhuận cao hơn trong quý III. Tuy nhiên, nhu cầu vực dậy mạnh mẽ cũng đang thôi thúc một cuộc khủng hoảng năng lượng mới.
Chưa kể, trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu giao dịch tương đương giá dầu thô ở mức 190 USD/thùng, các nhà phân tích cùng tin rằng nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm 0,5 điểm % khi doanh nghiệp tại lục địa già gấp rút thu mua nhiêu liệu thay thế khí đốt, từ dầu diesel đến xăng xe và dầu thô.
Giá khí đốt tăng chóng mặt, tương đương cú sốc 190usd /thùng dầu thô.
Đối với những người ngoài cuộc, sự thay đổi này có vẻ khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một chuyển biến lớn. Mức tăng nhu cầu như vậy sẽ vượt qua sản lượng bổ sung (khoảng 400.000 thùng/ngày) mà liên minh dầu mỏ OPEC+ muốn bơm ra thị trường.
Ông Gary Ross, một nhà tư vấn năng lượng tại Black Gold Investmors, cho hay: “Tình hình đang trở nên căng thẳng và OPEC siết chặt nguồn cung quá mức. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu còn đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì mọi người đổ xô đi mua nhiên liệu thay thế cho khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông tới”.
Tất cả sự kiện trên lại càng khiến dự trữ dầu thô trên toàn cầu xuống thấp hơn. Công ty theo dõi vệ tinh Kayrros cho biết tồn kho dầu thô toàn cầu, bao gồm kho chứa trên bờ, dầu thô đang vận chuyển trên biển và kho chứa ngoài khơi đều đang dưới mức trước đại dịch.
Hai nhà phân tích Amrita Sen và Kit Haines của Energy Aspects nhận định: “Trong bối cảnh tồn kho dầu thô ở mức thấp, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tăng cao và công suất dư thừa nhanh chóng hao hụt thì chỉ khi nhu cầu tạm ngừng phục hồi mới có thể giữ cho giá dầu thô không nhảy vọt trong mùa đông tới”.
“Gậy ông đập lưng ông”?
Cùng lúc, cuộc khủng hoảng thiếu điện sâu sắc ở Trung Quốc và các cường quốc công nghiệp nặng khác đang khiến giới chuyên gia lo sợ về nguy cơ sản lượng công nghiệp trồi sụt, tăng trưởng kinh tế yếu và kéo theo đó là mức tiêu thụ nhiên liệu đi xuống, thay vì bùng nổ như hiện tại.
Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các nhà máy phát điện tăng giá điện, loại bỏ giới hạn giá cho các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng. Một loạt ngân hàng Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ông Toril Bosoni, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu mỏ tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chia sẻ với Bloomberg: “Nhiều ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng đã buộc phải ngừng hoặc giảm sản xuất do chi phí năng lượng quá cao”.
Ở châu Âu, tình hình cũng tương tự. Hàng loạt cơ sở sản xuất từ nhà máy luyện kẽm đến công xưởng luyện thép đều bị buộc phải giảm sản lượng. Do đó, tốc độ thu mua dầu thô thay cho khí đốt có thể sẽ chững lại vài phần, Bloomberg cảnh báo.
Công ty Cổ phần Quốc tế T&G
Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0345786803
Email: hrm@tginterjsc.com
Trang web: http://tginternationaljsc.com