Luyen thep là một trong các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới, song cũng là một trong các ngành bẩn nhất. Nhu cầu thép ngày càng cao vì dân số tăng lên và mọi người đi du lịch nhiều hơn, xây thêm các tòa nhà chọc trời và lắp đặt nhiều tuabin gió hơn.
Làm thế nào để “làm sạch” ngành công nghiệp thép, vốn phụ thuộc nặng nề vào một công nghệ lỗi thời và gây ô nhiễm, đang trở thành chủ đề cấp trên toàn cầu, đồng thời là một trọng tâm của hội nghị khí hậu COP26 năm nay.
1. Thép xanh là gì?
Theo Bloomberg, thép xanh là sản phẩm thép được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường, nhưng không thực sự khác biệt mấy với thép thông thường.
Ở phương pháp truyền thống, thép được sản xuất bằng cách nung chảy quặng sắt và than cốc trong lò cao ở nhiệt độ lớn. Vì vậy, ngành công nghiệp thép truyền thống thường phát thải một lượng lớn khí nhà kính.
2. Còn các phương pháp luyện thép nào?
Quy trình luyện thép sạch nhất hiện nay (hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm) sử dụng hydro xanh, một sản phẩm từ điện tái tạo, thay vì đốt than đá. Sinh khối (biomass) cũng là một nhiên liệu khác thay thế cho than đá.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu việc tái chế thép, nhưng lượng thép phế liệu sẵn có lại tương đối hạn chế, do đó tác động của phương pháp này đối với môi trường có thể sẽ chỉ ở một mức nhất định.
3. Tại sao thép xanh quan trọng?
BloombergNEF cho biết, ngành công nghiệp thép hiện nay chiếm khoảng 7% lượng khí thải carbon của thế giới. Từ mức của năm 2019, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 47% vào năm 2050.
Trong bối cảnh chính phủ các nước đưa ra khá nhiều quy định mới cũng như thuế carbon để cải thiện môi trường, sản xuất thép xanh là một mục tiêu vừa mang ý nghĩa sống còn cho ngành công nghiệp thép vừa góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
4. Các ông lớn nào đang nghiên cứu thép xanh?
Hiện tại, nhiều nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới đã bắt đầu “làm sạch” sản phẩm thép hoặc đặt mục tiêu trong vài thập kỷ tới sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch nữa, theo Bloomberg.
Mùa hè năm nay, hãng thép SSAB của Thụy Điển đã sản xuất loại thép không dùng nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới bằng hydro xanh. Tập đoàn Volvo đã mua lô hàng đầu tiên và dùng chúng để sản xuất xe rác ra mắt hồi tháng 10.
Còn ArcelorMittal (trụ sở tại Luxembourg) có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến quặng sắt ở Tây Ban Nha vào năm 2025. Theo thông tin công bố, nhà máy này sẽ sử dụng hydro xanh.
Tập đoàn Rio Tinto (trụ sở tại Anh), nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã hợp tác cùng Đại học Nottingham (Anh) triển khai một dự án thử nghiệm sử dụng sinh khối làm nhiên liệu thay thế cho than cốc.
Theo đó, Rio Tinto sẽ trộn sinh khối với quặng sắt, kết hợp nhiệt phát ra từ hỗn hợp khí ga từ sinh khối và vi sóng năng lượng tái tạo để chuyển quặng sắt thành thép.
China Baowu Steel, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã cam kết sẽ trung hòa carbon vào năm 2050, sớm hơn một thập kỷ so với mục tiêu quốc gia mà Bắc Kinh đặt ra trước đó.
5. Giá thép xanh có đắt không?
Thép xanh sẽ đắt hơn thép thông thường vì chúng sử dụng các phương pháp sản xuất tốn kém hơn. Trong một nghiên cứu năm 2018, SSAB cho biết mức chênh lệch giữa hai loại thép có thể lên tới 30%. Tuy nhiên, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay có thể đã làm giảm con số mà SSAB công bố.
Dù mức chênh lệch giữa thép xanh và thép thường có thể tác động đáng kể đến các doanh nghiệp mua lượng lớn thép xanh, giới chuyên gia cho biết điều đó sẽ không gây ra nhiều khác biệt đối với người tiêu dùng đầu cuối.
McKinsey & Co. cho biết, tại châu Âu, trung bình một người chi khoảng 200 euro (tương đương 231 USD) mỗi năm cho thép. Khi nhà máy sử dụng các phương pháp giảm phát thải để luyện thép thì người dân sẽ chi thêm 60 euro nữa.