Thị trường đường quý I/2022: Giá đường phục hồi theo đà tăng của giá dầu thô

Thị trường đường quý I/2022: Giá đường phục hồi theo đà tăng của giá dầu thô

Sau khi sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, giá đường thế giới cũng như giá đường trong nước đã tăng trở lại trong tháng 3. Thị trường đường dự kiến vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới khi giá dầu thô leo cao trước tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, làm tăng khả năng chuyển đổi sản xuất đường sang sản xuất ethanol tại Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), trong tháng 3, giá đường thô giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng với trung bình 19,1 Cents/lb, tăng 6,7% so với 17,9 Cents/lb của tháng 2 và tăng so với mức 18,2 Cents/lb của tháng 1.

Chỉ số giá đường trắng cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây với 528,4 USD/tấn so với 488,2 USD/tấn của tháng trước đó.

Theo các nhà phân tích quốc tế, cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine đã làm chao đảo thị trường hàng hóa nhưng tác động lên thị trường đường chủ yếu là gián tiếp qua giá dầu thô.

Giá dầu thô tăng cao khiến nhu cầu đối với ethanol làm từ đường (chủ yếu ở Brazil) sẽ tăng lên và lượng đường xuất khẩu sẽ ít hơn.

Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, sử dụng khoảng 55% sản lượng mía để sản xuất ethanol và khoảng 45% cho đường, phần lớn được xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ – nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, có thể thúc đẩy giá đường tăng.

Những yếu tố này được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong thời gian tới. Mặc dù vậy, đà tăng giá sẽ phần nào bị hạn chế do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát gia tăng tại nhiều nước và làm giảm sức cầu hàng hóa.

Diễn biến giá đường thô thế giới trong tháng 3/2022. (Nguồn: ISO, ĐVT:  Cents/lb )

Tại trong nước, giá đường cũng tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg trong nửa cuối 3. Tuy nhiên tính chung quý I, giá vẫn giảm 200 – 600 đồng/kg do nhu cầu giảm trước tác động của dịch COVID-19 và nguồn cung dồi dào do cả nước bước vào vụ ép 2021-2022, trong khi đường nhập lậu từ Lào và Campuchia vẫn tiếp tục tràn vào.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 4 và các tháng kế tiếp, ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu.

Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Giá đường trong thời gian tới cũng phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn), VSSA nhận định.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định khi Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ 15/3 và không còn hạn chế nào cho tất cả các loại hình kinh doanh, hoạt động tiêu thụ thực phẩm, đồ uống nội địa được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại mức trước COVID-19 trong năm 2022.

Tuy nhiên đà phục hồi của thị trường thực phẩm, đồ uống sẽ bị cản trở bởi hệ quả chiến tranh Nga – Ukraina dẫn đến giá cả leo thang, tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.

Mirae Asset dự báo năm nay, giá đường sẽ tăng khi nhận định giá thu mía tăng song sản lượng của các doanh nghiệp sẽ giảm.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T&G

Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 0345786803

Email: hrm@tginterjsc.com

Trang web: http://tginternationaljsc.com

Bài viết liên quan