Tồn kho than của Trung Quốc khởi sắc từng ngày, giá than nhiệt tiếp tục giảm sâu

Tồn kho than của Trung Quốc khởi sắc từng ngày, giá than nhiệt tiếp tục giảm sâu

Cú sốc thiếu than của Trung Quốc đã dịu bớt nhờ một loạt chính sách can thiệp mạnh tay của chính quyền Bắc Kinh, Commonwealth Bank of Australia cho biết trong một báo cáo mới đây.

Tồn kho than đá của Trung Quốc khởi sắc

Theo báo cáo mới của Commonwealth Bank of Australia, đến giữa tháng 10, số tỉnh của Trung Quốc bị thiếu điện nghiêm trọng đã giảm xuống còn hai. Tại thời điểm đầu tháng, đất nước tỷ dân có tổng cộng 18 tỉnh rơi vào cảnh thiếu điện.

“Số lượng nhà máy nhiệt điện với tồn kho than đá ở mức rất thấp (dưới 7 ngày) cũng giảm 90% trong cùng khung thời gian”, các nhà phân tích tại Commonwealth Bank of Australia thông tin thêm.

Trong một tuyên bố hồi cuối tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cũng phát đi tín hiệu tương tự. Cụ thể, cơ quan này cho biết: “Trong nhiều ngày liền, sản lượng than trung bình hàng ngày đã đạt hơn 11,5 triệu tấn, có thời điểm đạt đỉnh 11,72 triệu tấn”.

Điều đó giúp tổng lượng than tồn kho tại các nhà máy điện của Trung Quốc tăng lên 106 triệu tấn, cao hơn 28 triệu tấn so với cuối tháng 9. Với khối lượng này, các nhà máy có thể yên tâm sản xuất điện trong 19 ngày liên tục, NDRC cho hay.

Đáng chú ý, lượng than cung cấp hàng ngày cho các nhà máy nhiệt điện than chủ chốt đã lên tới 8,32 triệu tấn, mức cao nhất trong lịch sử, Reuters nhấn mạnh.

Tồn kho than của Trung Quốc khởi sắc, giá than nhiệt tiếp tục giảm sâu - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Tình trạng thiếu than của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn từ đầu tháng 9, buộc chính quyền nhiều địa phương phải đột ngột thông báo cắt giảm lượng điện cung ứng cho các nhà máy công nghiệp.

Hậu quả là, sản lượng công nghiệp của các nhà máy sụt giảm, khiến 10 ngân hàng lớn như Morgan Stanley, Bank of America, Goldman Sachs,…hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021.

Chỉ số PMI sản xuất, một thước đo hoạt động chế tạo của các nước, đã tụt xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong hai tháng 9 và 10. GDP quý III của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,9% của quý II cũng như yếu hơn dự đoán của các nhà kinh tế.

Trong hai tháng qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã cố giải quyết tình trạng thiếu than bằng nhiều biện pháp, từ trấn áp nạn đầu cơ giá than giao sau đến thúc giục các mỏ tăng sản lượng.

Tồn kho than của Trung Quốc khởi sắc, giá than nhiệt tiếp tục giảm sâu - Ảnh 2.

Chính quyền mạnh tay can thiệp

Đầu tháng 10, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã thúc giục các tổ chức tài chính ưu tiên cho các công ty khai khoáng và nhà máy phát điện đủ tiêu chuẩn vay vốn. Để ổn định giá cả trên thị trường, các tổ chức tài chính còn bị nghiêm cấm cho vay vốn vào mục đích đầu cơ một số mặt hàng như than, thép và kim loại khác.

Đến giữa tháng 10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) kêu gọi các ngân hàng thương mại không nên “mù quáng” cắt giảm khoản vay của các dự án khai thác than đá.

Cùng lúc đó, Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Mỏ than thông báo sản lượng than của Trung Quốc có thể tăng khoảng 600 tấn/ngày, tổng sản lượng trong quý cuối cùng của năm 2021 có thể đạt 55 triệu tấn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua hàng từ nước ngoài để bù đắp nguồn cung than trong nước. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu than của Trung Quốc tăng tới 76% trong tháng 9 năm nay. Nga và Indonesia là hai nhà cung ứng than hàng đầu của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Các nguồn tin của Bloomberg cho biết, Trung Quốc thậm chí còn mua cả than nâu (hay than lignite) của Indonesia. Than nâu vốn được mệnh danh là loại than bẩn nhất thế giới, và thường được dùng để pha trộn với các loại than đắt tiền hơn.

Hồi cuối tuần trước, NDRC cũng vừa thiết lập một nền tảng trực tuyến nhằm giám sát việc thực hiện những hợp đồng than dài hạn đã ký kết giữa các công ty khai thác than và khách hàng ở hạ nguồn. Hệ thống này sẽ chính thức ra mắt vào đầu tháng 11.

Nhờ các biện pháp can thiệp của Bắc Kinh, giá than trên thị trường đã bắt đầu hạ nhiệt. Trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến ngày 19/10/2021, giá than nhiệt giao sau trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu đã tăng gần ba lần.

Tuy nhiên, kể từ ngày 19/10, giá than nhiệt tại Trung Quốc đã lao dốc hơn 50%, theo Wind Information. Nếu nguồn cung tiếp tục được cải thiện, giá than nhiệt giao sau có thể còn giảm mạnh hơn.

Bài viết liên quan