Trung Quốc bóp sản lượng thép, giá quặng sắt đang rớt mạnh

Trung Quốc bóp sản lượng thép, giá quặng sắt đang rớt mạnh

Quặng sắt, một trong các mặt hàng tăng nóng nhất trong năm nay, đang giảm mạnh khi sản lượng thép của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại.

Giá quặng sắt giảm sâu

Kể từ giữa tháng 7 năm nay, giá quặng sắt đã giảm khoảng 40% do lo ngại về nhu cầu của các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc, đặc biệt là khi đất nước tỷ dân đang sản xuất hơn một nửa sản lượng thép của toàn thế giới.

Bước hụt hơi của quặng sắt đã giáng một đòn đau vào các nước khai thác quặng sắt lớn như Australia và Brazil, khi mà họ đang dốc sức để bảo vệ đà phục hồi của nền kinh tế trước sự bùng phát của biến chủng Delta.

Theo S&P Global Platts, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá quặng sắt chuẩn đã tụt xuống mức 130,2 USD/tấn. Hơn nữa, chỉ tính riêng trong ngày hôm đó, giá quặng đã bốc hơi 15%, cũng là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Trung Quốc bóp sản lượng thép, giá quặng sắt đang dần mất đà - Ảnh 1.

Sang phiên giao dịch ngày 20/8, giá quặng sắt đã hồi về mức 139,1 USD/tấn, nhưng vẫn còn cách xa so với mức đỉnh mọi thời đại là 233 USD/tấn xác lập vào tháng 5 vừa qua.

Các loại hàng hóa khác như dầu thô và đồng cũng giảm điểm do nhà đầu tư lo ngại rằng biến chủng Delta có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, song không tụt nhanh như quặng sắt.

Dù quặng sắt là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai thế giới sau dầu thô, giá của loại khoáng sản này lại thường biến động nhiều hơn so với các hàng hóa lâu đời hơn như dầu mỏ và đồng.

Morgan Stanley nhấn mạnh, giá quặng sắt chưa bao giờ cắm đầu với tốc độ đáng kinh ngạc như vậy kể từ thị trường thiết lập mô hình giá giao ngày cho mặt hàng này cách đây 13 năm.

“Chúng tôi đã lường trước sự điều chỉnh của giá quặng sắt, vì mức giá hiện tại quá cao nhưng không bền vững. Tuy nhiên, dù lịch sử giao dịch quặng sắt khá bấp bênh, chúng tôi vẫn hơi ngạc nhiên vì nó mất đà nhanh như vậy”, Morgan Stanley cho hay.

Trung Quốc bóp mạnh sản lượng thép trong nửa cuối năm

Tháng 8 này, BHP, một trong các công ty khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa, cảnh báo rằng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc dự kiến sẽ suy yếu trong trung hạn. Sản lượng thép thô của đất nước tỷ dân sẽ chững lại, trong khi các nhà máy sẽ tăng sử dụng thép phế liệu thay vì quặng sắt.

Không chỉ BHP mà thị trường nói chung đều dự đoán rằng sản lượng thép của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục thu hẹp và giá quặng sắt do đó có nguy cơ giảm sâu hơn nữa.

Trong nửa đầu năm nay, các nhà máy tại Trung Quốc xuất xưởng thép thô ở mức cao kỷ lục. Song, Bắc Kinh vẫn đặt mục tiêu giữ tổng sản lượng năm 2021 tương đương mức của năm ngoái.

Ông Rohan Kendall, một chuyên gia phân tích của Wood Mackenzie, nhận xét: “Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc buộc các hãng thép nội địa phải cắt giảm mạnh sản lượng trong nửa còn lại của năm 2021”.

Wall Street Journal dẫn dữ liệu chính thức cho biết, trong tháng 7 vừa qua, sản lượng thép của Trung Quốc giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng đầu tiên của năm nay ghi nhận sản lượng giảm so với năm ngoái.

Tuy nhiên, so với đầu năm, sản lượng thép của các nhà máy Trung Quốc vẫn cần phải mất thêm khoảng 12% trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 để hoàn thành mục tiêu tham vọng của Bắc Kinh, Commonwealth Bank of Australia lưu ý.

Trung Quốc bóp sản lượng thép, giá quặng sắt đang dần mất đà - Ảnh 2.

Một mỏ khai thác quặng sắt tại Brazil. (Ảnh: Reuters).

Dữ liệu gần đây cũng cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Các chỉ số hàng tháng về sản lượng công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư đều hụt hơi so với dự đoán của các chuyên gia.

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã đề cập đến việc hạn chế sản xuất thép để giảm lượng khí thải nhà kính. Ngành công nghiệp thép hiện chiếm khoảng 15% lượng khí thải carbon của đất nước tỷ dân.

Vấn đề của năm nay là giá thép và nhu cầu thép đều cao, một phần được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch, đã kích thích các nhà máy tại Trung Quốc sản xuất càng nhiều thép càng tốt, ông Kendall nói.

“Tuy nhiên, nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ không thể tăng mãi, hoặc có thể đã đạt đỉnh. Bắc Kinh đang cố gắng chuyển đổi nền kinh tế từ hướng tập trung vào tăng trưởng sang một tương lai mới, nơi mà nhu cầu thép sẽ trì trệ hoặc giảm chậm”, vị chuyên gia cảnh báo.

Bài viết liên quan