Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thép?

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thép?

Năm 2021, Việt Nam sản xuất được khoảng 23 triệu tấn thép thô, đứng vị trí số 1 khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.
Được biết, trong thời gian tới Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) sẽ tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 20 năm thành lập. Người viết đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA về sự trưởng thành của ngành thép trong hơn 20 năm qua và những triển vọng năm 2022. 

Bước nhảy vọt của ngành thép Việt Nam

Như tôi được biết, hơn 20 năm trước, năng lực sản xuất và xuất khẩu thép của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Vậy, ngành thép Việt Nam đã trưởng thành như thế nào, thưa ông? 

Ông Nghiêm Xuân Đa: Vào năm 2001, quy mô ngành thép Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, chưa có tên trên bản đồ thép thế giới. Ngành thép Việt Nam lúc đó bao gồm các nhà máy công suất nhỏ, phân tán rải rác và thiếu liên kết.

Tại thời điểm đó, công suất của dự án thép lớn nhất cũng mới chỉ là 500.000 tấn/năm. Sản lượng thép thô chưa đầy 1 triệu tấn thép thành phẩm.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thép? - Ảnh 1.

Sản xuất thép thô của Việt Nam tăng trưởng mạnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Sau 20 năm, Việt Nam đến nay đã có vị trí đáng kể trên bản đồ thép thế giới. Sản xuất thép thô năm 2020 đạt 20 triệu tấn, đứng thứ 14 trên thế giới; Tiêu thụ thép biểu kiến đạt 23,3 triệu tấn, đứng đầu khối ASEAN năm 2020. Xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm thép năm 2020 đạt 11 triệu tấn với hơn 6 tỷ USD.

Các nhà máy được đầu tư trong thời kỳ này có quy mô công suất ngày càng lớn, đặc biệt là đã xây dựng được các khu liên hợp lớn như Formosa Hà Tĩnh (7 triệu tấn/năm giai đoạn 1) và Hòa Phát Dung Quất (4 triệu tấn/năm giai đoạn 1 và 5 triệu tấn/năm giai đoạn 2).

Với những kết quả đạt được, xin ông có thể cho biết hiện ngành thép Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Năm 2021, Việt Nam sản xuất được khoảng 23 triệu tấn thép thô, ở vị trí số 1 khu vực Đông Nam Á.

Xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn, với kim ngạch hơn 12,7 tỷ USD, tăng 43% về lượng và tăng gần 2,5 lần về giá trị so với năm 2020. Sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Trong đó có khoảng 10 triệu tấn thép thành phẩm xuất khẩu, chiếm khoảng 50% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á năm 2021.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thép? - Ảnh 2.

(Nguồn: VSA)

Thách thức từ phòng vệ thương mại, thuế môi trường

Như vậy, hơn 20 năm qua, ngành thép có bước nhảy vọt ấn tượng. Tuy nhiên, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Đây có phải là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép trong thời gian tới?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Khi hàng hóa nói chung và thép nói riêng xâm nhập sâu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mai là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, tình trạng dư thừa công suất tiếp tục gia tăng, không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi toàn cầu và nhất là khu vực Đông Nam Á, nơi cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Từ năm 2004 đến tháng 10/2021, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép xuất khẩu Việt Nam là 66 vụ. Nhiều vụ việc thép bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Xu hướng bảo hộ trong thương mại quốc tế tiếp tục gia tăng, ngành thép đã và sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều với các vụ kiện việc phòng vệ thương mại từ các quốc gia trên thế giới, và từ nội khối ASEAN.

Trong giai đoạn đầu, khi đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp thép gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức về phòng vệ thương mại còn hạn chế, năng lực để tham gia kháng kiện yếu…

Tuy nhiên, tình trạng này đã dần được cải thiện trong 5 năm gần đây. Doanh nghiệp nhận được sự đồng hành của cơ quan chức năng, tích lũy kinh nghiệm và dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thép? - Ảnh 4.

Doanh nghiệp xuất khẩu thép cần cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh minh họa: Reuters)

Sản xuất thép là một trong những ngành có lượng phát thải carbon lớn, trong khi Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Liệu đây có phải là rào cản với xuất khẩu thép trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Đúng vậy. Hiện, các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu và nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải CO2 theo lộ trình đến năm 2050. Trong khi, doanh nghiệp thép Việt Nam chưa thực sự sự sẵn sàng trong chuyển đổi số và triển khai công nghệ số để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Ở một khía cạnh khác, khó khăn từ phía nội tại của ngành thép Việt Nam như công nghệ hiện đại còn tồn tại các công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, tiêu hao năng lượng cao, chưa đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường…

Ngoài ra, sự liên kết chuỗi cung ứng còn hạn chế; hạ tầng logistics còn thiếu; cơ cấu sản phẩm chưa hoàn chỉnh: chưa có thép chế tạo, thép hợp kim độ bền cao, thép đặc biệt… cũng góp phần hạn chế sức cạnh tranh của ngành thép Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn tới đây. Do vậy, các doanh nghiệp thép cần thích ứng trong điều kiện bình thường mới, đầu tư công nghệ để theo kịp xu hướng thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công ty Cổ phần Quốc tế T&G

Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 0345786803

Email: hrm@tginterjsc.com

Trang web: http://tginternationaljsc.com

Bài viết liên quan