Xuất khẩu xi măng giai đoạn 2022 – 2023 sẽ chững lại, nguyên nhân đến từ Trung Quốc

Xuất khẩu xi măng giai đoạn 2022 – 2023 sẽ chững lại, nguyên nhân đến từ Trung Quốc

VNDirect cho rằng xuất khẩu xi măng giai đoạn 2022 – 2023 sẽ chững lại vì các yếu tố như lợi nhuận thấp, thị trường bất động sản Trung Quốc và thuế xuất khẩu.

Theo CTCK VNDirect, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam giai đoạn 2022 – 2023 sẽ giảm lần lượt 1,5 – 2% so với cùng kỳ, xuống mức 45 triệu tấn bởi những yếu tố đến từ thị trường Trung Quốc.

VNDirect chỉ ra rằng nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn trong khi quy mô công suất toàn ngành đã lên tới 107 triệu tấn. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng và khiến ngành xi măng phải bám víu vào “chiếc phao xuất khẩu”.

Giai đoạn 2017 – 2021, Trung Quốc buộc nhiều nhà máy xi măng đóng cửa nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiếu điện sản xuất. Kết quả là Trung Quốc từ nước xuất khẩu clinker số 1 thế giới trong năm 2016 thì cuối năm 2017 lại trở thành nước nhập khẩu.

Hưởng lợi từ xu hướng trên, xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và đạt 46 triệu tấn trong năm 2021, tăng 20% so với năm 2020 và gấp 3 lần so với năm 2016.

Sản lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu lại không cao bởi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu clinker (xi măng bán thành phẩm), chiếm 63% tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021.

(Nguồn: VNDirect)

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu clinker sẽ làm giảm ít nhất 30-35% giá trị sản phẩm và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ phần giá trị gia tăng của xi măng thành phẩm.

Trước áp lực dư cung lớn, xuất khẩu là kênh tiêu thụ quan trọng giúp ngành xi măng Việt Nam giảm áp lực hàng tồn kho và cạnh tranh trong thị trường nội địa.

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng việc chi phí vận chuyển tăng cao và rủi ro bị ép giá do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc sẽ không giúp các doanh nghiệp xi măng Việt cải thiện lợi nhuận từ việc tăng sản lượng xuất khẩu trong ngắn hạn.

Ngoài ra, sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản dân dụng, vốn chiếm 30-35% tổng tiêu thụ xi măng của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nhu cầu xi măng của quốc gia này trong năm 2022.

Mặt khác, Bộ Tài chính cho biết thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản.

Xuất khẩu clinker giảm sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng việc tăng 5% thuế xuất khẩu sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam khi tình trạng dư cung tại thị trường nội địa vẫn rất lớn.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu T&G

Địa chỉ: 352 Phố Huế, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hotline: 02473010868

Email: hrm@tginterjsc.com

Trang web: http://tgimportexport.com

Bài viết liên quan