Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 11 tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp và đạt mức cao kỷ lục 30 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay với 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt nam qua các tháng năm 2020- 2021 (ĐVT: triệu USD)
Tính chung 11 tháng năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng mạnh 22,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 599 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,5%, đạt 299,7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tăng với tốc độ mạnh hơn khi tăng tới 27,5% trong 11 tháng, đạt 299,4 tỷ USD.
Tính riêng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu khoáng sản và kim loại tiếp tục là những mặt hàng tăng trưởng cao nhất. Cụ thể, dầu thô tăng 209,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sắt thép tăng 113%, Clanhke và xi măng tăng 90,8%, xăng dầu tăng 66,2%…
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản cũng ghi nhận tăng trưởng cao như: Gạo tăng 57,4%, hạt tiêu tăng 27,3%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 25,2%, hạt điều tăng 15%, cà phê tăng 12,6%…
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 18,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ; tương tự, dệt may tăng 24,9%.
Tuy nhiên, một số ngành hàng như giày dép, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, gỗ và sản phẩm gỗ dù đã phục hồi so với những tháng trước nhưng vẫn chưa thể cân bằng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, nhờ mức tăng trưởng cao đạt được từ đầu năm nên nhìn chung kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD, đưa cán cân thương mại trong 11 tháng thặng dư 225 triệu USD. Mặc dù thặng dư thương mại thấp hơn nhiều so với con số 20,2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt gần 2,6 tỷ USD cách đây 2 tháng.
Theo lý giải của các cơ quan quản lý, xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là do giá hàng hóa thế giới tăng cao nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng.
Đồng thời, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cước phí vận tải quốc tế tăng mạnh. Trong khi giá trị nhập khẩu ghi nhận cả chi phí vận tải còn xuất khẩu thường ghi nhận giá FOB. Do vậy, cước phí vận tải tăng mạnh đã làm giá trị nhập khẩu tăng mạnh hơn so với giá trị xuất khẩu.
Cán cân thương mại của Việt Nam qua các tháng năm 2020 – 2021 (ĐVT: triệu USD)